Archive for the 'Cà Mau' Category



08
Th12
15

U Minh – Cà Mau

Theo dự định chúng ta sẽ trao quà cho đồng bào tại U Minh – Cà Mau vào ngày 6 / 12 / 2015, thế nhưng trước khi đến Cà Mau, Phạm Chí dừng chân ở Đồng Tháp vào ngày 4 / 12 để nghiệm thu ngôi nhà của chị Nguyễn Thị Sang ở ấp Tân Thanh, xã Tân Nhuận Đông, huyện Châu Thành

Sang---11

Chị Sang năm nay 55 tuổi, có chồng là anh Lê văn Lượm bị bệnh tâm thần nặng và 1 người con trai 17 tuổi. Nghề chính của chị Sang là …leo hái dừa, ngoài ra ai thuê gì chị đều làm. Căn nhà của gia đình chị tả tơi gần sập, nhưng chị và người con trai không kiếm đủ tiền để lo cho cuộc sống nên không thể dựng lại được ngôi nhà. Chính vì thế chúng ta cùng tổ cất nhà từ thiện ở địa phương đã giúp chị làm lại tổ ấm, ngày 2 / 12 / 2015 ngôi nhà mới hòan chỉnh và hôm nay 4 / 12 chúng ta đến thăm gia đình của chị và cũng để nghiệm thu ngôi nhà

Sang---01Sang---03

Nhà của gia đình chị Sang trước đây

Ngôi nhà mới của chị Sang ngang 4 mét, dài 8 mét, cột đúc, mái tôn, vách tôn, nền gạch men ốp lát. Kinh phí làm nhà hết 14 triệu đồng, số tiền này do cô Diệu Bảo tài trợ, ngoài ra anh em tổ cất nhà giúp công miễn phí hoàn toàn. Gởi các bạn hình ảnh nhà mới của gia đình chị Sang

Sang---04Sang---05Sang---06Sang---07Sang---08Sang---09Sang---10

VIẾT THÊM VỀ TRƯỜNG HỢP NGÔI NHÀ CỦA BÀ NGUYỄN THỊ SANG

Bà SANG là vợ của ông LÊ VĂN LƯỢM. Ông Lượm bị bênh nên không có khả năng lao động hoặc giải quyết bất kỳ công việc nào được.
Nhà của Ông Lượm và bà Sang được làm mới hoàn toàn ( không phải sữa chữa ) nhờ kinh phí của cô Diệu Bảo ( USA ) là 14 .000.000$ ( mười bốn triệu ).
Bàn thờ nhà bà Sang ông Lượm do cô Ngọc Huệ giúp làm kinh phí không nhớ rõ nhưng giá không dưới 1.000.000$ ( một triệu )
Đội thi công làm nhà là anh em làm thiện nguyện tại xã Tân Phú Đông , Châu Thành – Đồng Tháp
Người đại diện nhóm thi công là :
Anh Nguyễn Văn Út. SĐT : 0122 682 6509
Anh Nguyễn Văn Khang. SĐT : 0988 315 711
Hôm nay viết thêm vì trong thời gian qua có người nói rằng : nhà bà Sang ông Lượm là do một người khác làm
Tôi không biết sự việc ấy là vô tình hay cố ý. Nếu là cố ý thì thật đau lòng vì sự băng hoại của đạo đức con người còn nếu là vô tình thì phải chăng đây là sự thể hiện bản chất mê muội vốn có của con người

Nếu một hành động không trung thực, thiếu chân thành thì thật khó nói đến chuyện tốt đời đẹp đạo!

Dieubao---02

******************************

Từ Châu Thành – Đồng Tháp băng ngang dòng Cửu Long bằng chuyến phà ở Lai Vung để đến Thốt Nốt, từ Thốt Nốt chạy Honda đến Cần Thơ, rồi từ Cần Thơ đón xe Phương Trang đi Cà Mau vào sáng 5 / 12 / 2015

Sáng 6 / 12 từ TP Cà Mau chúng tôi đến huyện U Minh bằng chiếc xe 7 chổ. Huyện U Minh đã đến nhiều lần, cuộc sống người dân vẫn chưa thay đổi gì nhiều, người dân nơi đây vẫn lam lũ và cuộc sống vẫn chất đầy nhọc nhằn gian khó!

Chuyến này chúng ta trao 137 phần qua cho người dân ở xã Nguyễn Phích, thuộc huyện U Minh và 13 phần cho dân ở huyện Trần Văn Thời – Cà Mau. Mỗi phần quà gồm có : 10kg gạo. 1 thùng mì 30 gói, 1 chai nước tương, 1 phong bì 50.000$ và 1 ( hoặc 2 ) áo thun. Kinh phí cho chuyến đi là : 32. 400.000$. Trong đó :

Chị Minh Phương : 6.804.000$

Phương Mai : 3.016.000$

Chị Điệp :               5.000.000$

Cô N. X. Trinh :     5.000.000$

C. Mai Hương :      2.250.000$

Tuấn Bạch  :           3.000.000$

Bạn Minh Đăng :    4.000.000$

Quỹ GMBT  :         3.330.000$

Gởi các bạn một số hình ảnh của chuyến đi

CM---01CM--02CM---03CM---04CM---05CM---06CM---31CM---07CM---08CM---09CM---10CM---11CM---13CM---14

Không riêng U Minh, ngày nay phương tiện giao thông trong vùng sâu ở Cà Mau chủ yếu vẫn là ghe thuyền

CM---15CM---16CM---17CM---18

“ Bố thí là rộng trao

Chẳng trao từ trên cao

Chẳng trao trong khoảng cách

Trao nhau giựa ngọt ngào” ( Trụ Vũ )

CM---19CM---20CM---21

Đến thăm vài hộ có hoàn cảnh khó khăn sống ở gần chổ phát quà

CM---22CM---23CM---24

Rời U Minh, cả đoàn đến huyện Trần Văn Thời, cùng với bạn Xuân, tức công ty Nguyễn Luân, chúng ta góp vào 13 phần quà để trao cho dân nghèo

CM---25CM---26CM---27CM---28CM---29CM---30

Công việc kết thúc lúc 15g ngày 6 / 12, về đến TP Cà Mau gần 18g, tất cả mọi người đều mệt rã rời. Cô Trinh và Bình sẽ về Sài Gòn ngay trong đêm nay, tôi và thầy Toàn sẽ về vào sáng sớm ngày mai.

U Minh hay Trần Văn Thời, hay Cái Nước, Phú Tân huyện nào người dân cũng vẫn còn vô cùng lao đao, vất vả, khốn khó. Ước mong sao mai này cuộc sống sẽ tốt hơn để những câu chuyện về các chuyến đi thiện nguyện chỉ còn là kỷ niệm

 

17
Th12
14

Biển mặn

Biển mặn này không phải “Biển mặn” của nhạc sĩ Nhật Trường Trần Thiện Thanh! Biển mặn đây nằm ở vùng cực nam nước Việt –  xã Viên An, huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau.
Đến Cà Mau vào bưổi trưa ngày 13 / 12 / 2014, chúng tôi đến nhà gia đình Tuấn, Mỹ vì hàng hóa được tâp kết tại đây. Kiểm tra và đóng gói hàng hóa lần cuối, chúng tôi chất hàng lên chiếc xe tải để chuẩn bị cho chuyến đi Ngọc Hiển vào sáng ngày mai

VA---01VA---02

5g30 sáng 14 / 12 Tuấn lái xe tải còn chúng tôi 4 người Toàn, Duyên, Cần, Chí chạy xe gắn máy theo sau. Từ Cà Mau vượt hơn 50km để đến Năm Căn, rồi từ Năm Căn chúng tôi thuê một chiếc thuyền gắn máy mà người địa phương gọi là chiếc vỏ lãi tải trọng ba tấn theo đường sông hướng về phía cửa biển, điểm đến của chúng ta là xã Viên An, huyện Ngọc Hiển

VA---03VA---04

Chất hàng hóa lên thuyền

VA---05

Chiếc thuyền ( vỏ lãi ) gắn máy phóng nhanh tung bọt trắng xóa phía sau. Bụi nước bay mù mịt và có vị mặn vì nơi đây sát biển. Chạy hơn một giờ đồng hồ theo đường sông Cái Lớn chiếc thuyền đến ủy ban xã Viên An, từ đây thuyền tiếp tục chạy thêm khỏang hơn 30 phút để đến điểm trao quà đầu tiên.

VA---06

Xã Viên An nằm cách biệt với đất liền, nếu không đi bằng thuyền người ta không còn cách nào khác để đến được nơi đây.

VA---07

Thuyền đến điểm trao quà đầu tiên

VA---08

Đời sống người dân còn vô vàn khó khăn vì đường giao thông trắc trở, nhà cửa xơ xác, không bệnh viện, không điện lưới quốc gia, nước ngọt thì vô cùng thiếu thốn!

VA---09VA---10VA---11VA---12VA---13VA---14

Rời điểm trao quà thứ nhất, thuyền chúng tôi len lõi đi giữa những hàng cây đước dài thăm thẳm không một bóng ghe thuyền qua lại. Họa hoằn lắm chúng tôi mới gặp được một chiếc ghe bán hàng trên sông

VA---15VA---16

Đến điểm thứ hai thuộc ấp Cồn Cát, nơi đây là một trường tiểu học, chúng tôi chuyển quà vào trường và thực hiện việc trao quà

VA---17VA---18VA---19

Chuyến đi này chúng ta có tất cả 120 phần quà, mỗi phần gồm có : 1 cái mùng, 10kg gạo, 1 chai dầu ăn 1 lít, 1kg đường, 1 chai nước tương. Ngoài ra còn có 50 phần quà cho học sinh mỗi phần là 1 cái cặp đi học và 2 hộp sửa. Kinh phí hết 33. 686.000$VN. Trong đó LM Lo Dam giúp 10.710.000$. Các bạn D.Hiền, M.Diệp, chị T Hương giúp 8.976.000$. Gia đình chị Điệp & anh Ân giúp 12 triệu. Gia đình Phạm Doãn 2 triệu
Ngoài ra gia đình bạn Tuấn ở Cà Mau còn làm thêm 20 phần quà để đề phòng có phát sinh đột xuất và rất nhiều bánh của 2 bạn Duyên, Cần mang từ Cần Thơ đến cho chuyến đi ( Tổng cộng chuyến đi có 140 phần quà )

VA---20

Một ngôi nhà tiêu biểu của người dân ấp Cồn Cát, xã Viên An, huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau. Như bạn nhìn thấy trên hình, đấy là ngôi nhà trống trơn – nothing – không có gì hết!!!

VA---21VA---22VA---23VA---24VA---25

Điểm trường tiểu học ấp Cồn Cát rất đặc biệt vì chỉ có đúng 1 phòng học! Nhìn lên bảng thấy sĩ số học sinh mà hết hồn! Hỏi thăm toàn trường và cả khu vực có được 17 học sinh tiểu học. Chúng tôi gởi lại trường 17 phần quà cho học sinh, mỗi phần gồm 1 cặp táp và 2 hộp sữa

VA---26VA---27

Tạm biệt điểm trường ấp Cồn Cát, thuyền chúng tôi tiếp tục chạy giữa khu rừng đước hoang vu, một chiếc vỏ lãi nhỏ chạy trước để dẫn đường. Khoảng gần một giờ đồng hồ thuyền mới đến điểm thứ ba, cũng là điểm cuối cùng rất gần cửa biển

VA---28

Gởi các bạn hình ảnh tại điểm trao quà thứ ba ở xã Viên An

VA---29VA---30VA---31VA---32VA---33VA---34VA---35VA---36VA---37VA---40VA---38

Công việc hoàn thành lúc 14g cùng ngày, tạm biệt người dân Viên An với những khó khăn nghiệt ngã của đời sống. Biển mặn nhưng mồ hôi của người dân nơi này đổ xuống cũng mặn không kém, mong sao một ngày không xa những khó khăn cơ cực nơi này sẽ chỉ còn là quá khứ

VA---39

Chiếc thuyền trở về hết hàng nên nhẹ tênh, chạy nhanh hơn và bềnh bồng trên sóng nước… Lúc này tất cả mọi người đều mệt và đói vì ngoài gói xôi cùng ổ bánh mì chay buổi sáng chẳng ai ăn uống gì cả, sáu con người trên thuyền nằm lăn ra ngũ…Buổi chiều gió lớn nên sóng to…Một con sóng lớn bất thường tràn tới rồi chồm lên, tràn nước vào thuyền của chúng tôi…Chiếc thuyền tròng trành như muốn lật, bác tài nhả máy, thuyền chậm lại rồi yên dần…Tôi cứ ngỡ phen này sẽ được nàng Đạm Tiên trả lại tập Đoạn Trường Thư như trường hợp Thúy Kiều trong truyện của Nguyễn Du, nhưng không … Con thuyền cập bến, cả nhóm lên bờ, lúc này tôi biết tên của mình chưa được rút ra khỏi sổ Đoạn Trường! Câu chuyện chưa kết thúc trên dòng sông Cái Lớn ngày hôm nay và con đường gian truân của mình vẫn còn mịt mờ phía trước!….

 

02
Th4
14

Sài Gòn – Cà Mau – Hà Tiên

Khởi hành từ Sài Gòn sáng 24 / 3, đến Long Xuyên vào buổi trưa cùng ngày, từ Long Xuyên chạy xe gắn máy đến Châu Thành – An Giang để gặp các bác, các chú trong tổ làm nhà từ thiện xã Bình Hòa ( huyện Châu Thành – An Giang ). Chúng ta có 3 căn nhà cần làm :
1/ nhà của bà Nguyễn Thị Chẩm ở ấp Hòa Phú 4 thị trấn An Châu.
2 / Nhà của chị Lê Thị Bích Phượng ở ấp Phú An 2, xã Bình Hòa, huyện Châu Thành
3 / Nhà của chị Lý Thị Ngọc Điệp ở ấp Hòa Thạnh, xã Hòa Bình Thạnh, huyện Châu Thành – An Giang

Công việc của tổ làm nhà từ thiện rất nhiều: Phải đi mua cây, mỗi lần mua mấy trăm cây ( mua như thế mới rẻ ), rồi phải đốn và vận chuyển đem về. Rồi cưa, đẽo, đục sẵn chờ ngày lắp ráp…Công việc nặng nhọc và không phải chỉ có vài căn nhà, trong khi chỉ toàn người lớn tuổi đảm đương công việc, thế nên các chú các bác không thể làm ngay và làm nhanh giúp chúng ta được. Nhà của bà Chẩm chỉ sữa chữa lại nên có thể sẽ làm xong sớm và chúng ta đã gởi tiền. Nhà chị Phượng sẽ được làm sau đó ( trong tháng 4 ) và qua tháng 5 mới có thể tính tới nhà của chị Ngọc Điệp.

CM---01CM---02

Từ Châu Thành ( An Giang ) chạy về Thốt Nốt ( Cần Thơ ) ngày hôm đó. Rồi hôm sau từ Thốt Nốt lại đón xe đến Cà Mau, trạm dừng tạm thời, lúc này là 12g trưa ngày thứ ba 25 / 3 / 2014
Buổi chiều 25 ngồi chia bánh kẹo…chuẩn bị cho đợt trao quà ngày mai tại xã Khánh An, huyện U Minh tỉnh Cà Mau.

CM---03CM---04

Cà Mau là 1 tỉnh rất nghèo, hầu hết các huyện, xã đều khó khăn cần giúp đỡ. Riêng xã Khánh An thuộc huyện U Minh có tất cả 18 ấp nhưng chúng ta chỉ có 135 phần quà để giúp dân ở 4 ấp, đành thôi… sức đến đâu làm đến đó vậy!
Mỗi phần quà hôm nay của chúng ta gồm có : 10kg gạo, 1kg đường, 10 gói mì, 1 chai nước tương, 1 chai dầu ăn 1 lít. 1 hộp sữa, 1kg muối, 1 bịch bánh kẹo. Kinh phí tất cả là 27.000.000$. Trong đó : LM Đàm Xuân Lộ giúp 10.000.000$, bạn Tuấn Bạch giúp 10.000.000$. Còn lại là của các vị Mạnh Thường Quân khác

CM---05CM---06CM---07CM---08CM---09CM---10CM---11CM---12

Hẹn người dân Khánh An 13g ngày 26 / 3, lúc đến nơi bà con đã đông đủ. Vì lực lượng làm từ thiện quá mỏng nên chúng ta nhờ bà con phụ một tay để chia quà.

CM---13CM---14CM---15CM---16CM---17CM---18CM---19CM---20CM---21

Công việc trao quà kết thúc lúc 15g ngày hôm ấy

CM---22CM---23

Đêm 26 cùng với bạn Mỹ Hòa ( ở Phú Tân lên để cùng trao quà ở Khánh An ) đi café ở Cà Mau. Quán đẹp nhưng vắng teo chỉ có con chuột cống to tổ nái chạy qua chạy lại. Đến Cà Mau nhiều lần nhưng chưa bao giờ có dịp đi hết cái thành phố nhỏ này. Đêm Cà Mau cũng nhộn nhịp, phố xá cũng ngập tràn hàng quán, đèn xanh đèn đỏ cũng nhấp nháy tưng bừng. Buổi café đêm nay để tạm biệt Cà Mau và những người bạn nơi này, sáng mai trở về Cần Thơ rồi lại qua Long Xuyên chuẩn bị ngày hôm sau nữa đi Hà Tiên. Cuộc đời quả như giấc mộng !

………………………..
Chúng tôi chạy xe gắn máy theo con đường Châu Thành – Tri Tôn – Ba Chúc – Vĩnh Gia – Vĩnh Điều để đến Hà Tiên. Buổi trưa 29 / 3 trời nắng nóng như thiêu như đốt, mọi người phải trùm hết mặt mũi chân tay. Đường chúng tôi đi qua có những hàng phượng thật đẹp nằm trơ cành chực chờ trổ hoa, thỉnh thoảng giữa ánh nắng gay gắt lại bắt gặp trên đường những cây Ô Môi – một loài hôm nay gần như tuyệt chủng – trổ hoa hồng như Anh Đào xứ Nhật

CM---24

( Hoa Ô Môi )

Chuông điện thoại reo, thầy Thưng dừng xe để trả lời rồi lại tiếp tục lên đường. Thầy Thưng nói : “ Ngày xưa, bên Tây Tạng có những vị đạo sĩ tu luyện lâu năm đắc thần thông, họ có thể nói chuyện với nhau dù ở cách xa ngàn dặm. Ngày nay khoa học tiến bộ con người ta cũng có thể nói chuyện với nhau dù ở nơi đâu trên quả đất.”
Tôi trả lời : “Đúng. Điện thoại, TiVi, máy bay, Internet…là thần thông. Người ta có thể ngồi một chổ mà vẫn nhìn, vẫn biết mọi diễn biến, vẫn nói chuyện được với mọi người bất kỳ nơi nào trên thế giới. Khoa học ngày nay chính là thần thông. Chính trí tuệ loài người đã tạo ra các loại thần thông ấy.
Một loài bao giờ cũng vẫn quan trọng hơn một cá thể. Nếu bạn tu hành đắc thần thông, mở mang trí tuệ, tiến hóa được tâm linh điều ấy rất tốt, rất qúy, nhưng thần thông ấy, trí tuệ ấy, tiến bộ tâm linh ấy nếu chẳng làm những cá thể khác cùng tiến hóa thì điều ấy cũng chỉ có giá trị cho riêng bạn mà thôi, nó không ảnh hưởng gì đến tôi, đến những cá thể chung quanh khác!. Làm sao để một loài cùng phát triển trí tuệ, cùng tiến hóa ( tâm linh và vật chất ), đó mới quan trọng. Quan trọng hơn nữa là sự tiến hóa của muôn loài vì muôn loài quan trọng hơn là một loài…Đó là ý nghĩa của Đại Thừa…”

Mãi mê câu chuyện đến Hà Tiên lúc nào không hay, buổi chiều nắng nhạt bớt và cái nóng cũng giảm phần nào.

CM---25

Người dân cào nghêu trên biển Hà Tiên
Chúng tôi đến tham quan một ngôi tháp trong khu nghĩa địa, cách chùa Phù Dung khoảng 500 mét. Ngôi tháp có lẽ trên trăm năm, nó sẽ không có gì đặc biệt nếu không có một cái cây mọc lên bao trùm hết ngọn cổ tháp.

CM---26

Lúc này mặt trời xuống thấp lắm rồi, ánh nắng yếu ớt cố vùng vẩy để lưu lại đôi chút trên mặt đất, nhìn ngôi cổ tháp trong ánh nắng vàng vọt cuối ngày cảm thấy chạnh lòng và bồi hồi… “ Trăm năm nào có gì đâu…Một ngôi tháp cổ…cỏ khâu xanh rì…”

CM---27CM---28

Đêm Hà Tiên nhộn nhịp tưng bừng vì đây là khu du lịch. Tôi đi qua những hàng quán, những lời chào mời với sự dửng dưng vì …túi không còn tiền! Có một cái khách sạn bốn sao nằm đối diện con sông, bên trong cửa kính có một quán bar và nhiều người đang hạnh phúc trong tiếng nhạc. Nơi đây thật đẹp…ai cũng ăn mặc đẹp…ngay cả người bồi bàn bưng nước cũng mặc đẹp hơn tôi gấp cả chục lần!
Buổi sáng 30 / 3 trên đường trở về chúng tôi đến thăm khu du lịch Hòn Đá Dựng

CM---29CM---30CM---31

Rời Hòn Đá Dưng chúng tôi đến thăm Chùa Hang và hòn Phụ Tử

CM---32

Bên trong chùa Hang

CM---33

Hòn Phụ Tử đã gẩy mất hòn Phụ ( phía bên tay trái ) chỉ còn hòn Tử. Có lẽ bây giờ người ta nên gọi là hòn Mồ Côi…

CM---34

Trong hình dưới là hòn Phụ bị gẩy được kéo vào trong đất liền

CM---35CM---36CM---37

Giã từ hòn Phụ Từ, giã từ biễn Hà Tiên chúng tôi trở về cũng trong ánh nắng gay gắt. Chưa đi thì thắc mắc, tò mò đi rồi cũng thế thôi, y như bài thơ của Tô Đông Pha ngày xưa vậy
Lô sơn yên toả Triết giang triều,
Vị đáo bình sinh hận bất tiêu.
Đáo đắc hoàn lai vô biệt sự,
Lô sơn yên toả Triết giang triều.
Khói toả Lô Sơn, sóng Triết Giang,
Khi chưa đến đó luốn mơ màng.
Đến rồi, hoá cũng không gì lạ,
Khói toả Lô Sơn, sóng Triết Giang.

CM---38

15
Th5
13

Đất mặn

Cà Mau không phải vùng đất quá xa lạ, tôi đến đây nhiều lần và đủ để biết cuộc sống người dân nơi cuối cùng mảnh đất hình chữ S này như thế nào. Sự thất bại trong việc chuyển đổi đất nông nghiệp ( trồng lúa ) sang đất nuôi trồng thủy sản khiến người dân bản xứ lao đao. Rất nhiều gia đình dốc toàn lực để nuôi tôm, tôm chết – phá sản! Đất đai nhiễm mặn vì người ta dẫn nước biển vào nuôi tôm. Tôm chết, đất không trồng trọt canh tác được, những ai dù không nuôi tôm nhưng sống trong khu vực đều bị ảnh hưởng.

Chúng tôi chuẩn bị chuyến đi Cà Mau từ ngay sau tết Qúy Tỵ, và buổi sáng 11 / 5 / 2013 tôi thấy mình ngồi trên chuyến xe rời Sài Gòn vào lúc 7g sáng để đến Cà Mau

Xe chạy trong ánh nắng chói chang của trời tháng 5, những cây Phượng trổ hoa đỏ rực trước cổng trường học dọc trên đường đi, làm chợt nhớ ngày xưa….,quá khứ với bao nhiêu kỷ niệm trong ký ức chợt sống dậy…

Có bạn hỏi tại sao trên Facebook tôi lại ghi “đại học Vĩa Hè?” . Xin thưa tại vì ngày xưa nhà nghèo quá, cái đói làm mình phải nghĩ học sớm để kiếm ăn. Thực ra nếu cố gắng hơn nữa, đeo đẳng lớp học ban đêm chắc cũng sẽ tốt nghiệp đại học, nhưng tôi không phải  người có ý chí, nghị lực mạnh mẽ nên đeo theo lớp ban đêm được 2 năm đành phải chào thua khi mỗi đêm đến lớp với cái đói cồn cào ! Ở vĩa hè Sài Gòn ngày ấy không thiếu sách cũ, cái mà thời bấy giờ người ta gọi là “ văn hóa phẩm đồi trụy, phản động”, cái đám văn hóa đồi trụy, phản động ấy hôm nay tái bản lại hầu hết và tôi lớn lên trong những thứ ấy!

Vĩa hè Sài Gòn những năm thập niên 70 – 80 không phải chỉ có thứ “ văn hóa phẩm đồi trụy, phản động” như đã nói, vĩa hè Sài Gòn còn ẩn chứa sự sống với đám thuốc tây chợ trời. Ngày ấy thuốc tấy không được bán tự do, thế nên đã hình thành thứ chợ trời thuốc Tây, nhiều nhất ở khu đường Nguyễn Thông và khu Tân Định. Ngày xưa mẹ tôi bị cao huyết áp, mỗi lần huyết áp lên nếu không có tiền thì đứa em chạy vào trong xóm kiếm mớ lá kiến cò về giả lấy nước cho bà. Hôm nào có tiền tôi chạy ra khu Nguyễn Thông, nói tên thuốc rồi mấy ông bán thuốc ngoài đường này chạy đi lấy. Có thuốc là mừng rồi, mặc dù rất sợ vớ phải thuốc giả, nhưng ơn trời tôi chưa bao giờ lấy phải thuốc giả. Mấy triệu con người trong thành phố ngày ấy, bệnh tật ốm đau nào có bảo hiểm y tế hay có sẵn nhà thuốc như bây giờ, tất cả chỉ biết thuốc Tây chợ trời vĩa hè ! Sài Gòn ngày đó đất mặn đâu kém Cà Mau hôm nay!!!

Từ Vỉa hè SG, tôi học được rất nhiều. Tôi học được sự cảm thông và tha thứ. Cảm thông với những người đói khổ nơi tận đáy xã hội và tha thứ cho những kẽ đã gây ra cho mình, cho thân nhân, cho bạn bè mình những đau đớn, tủi nhục, đắng cay. Tha thứ có lẽ là bài học khó khăn nhất, cho dù rất cố gắng nhưng đến giờ vẫn chưa thuộc, có lẽ tôi vẫn còn phải tiếp tục học, khi nay và trong kiếp tái sinh…

Xe đến Cà Mau lúc gần 15g, chúng tôi tạm trú nơi nhà hai bạn Mỹ – Tuấn, nhà ở phía bên kia sông, cách đường quốc lộ một chuyến đò ngang.

CM---01

Mệt, nhưng chúng tôi vẫn phải làm nốt những công việc còn lại để chuẩn bị cho ngày mai. Bánh phải chia ra từng phần, tất cả hàng hóa phải kiểm tra lại lần cuối và chuyển lên xe tải .

CM---02CM---03CM---04CM---05CM---06

Chuyến này chúng ta có tất cả 336 phần quà. Xã Sông Đốc có 236 phần ( trong đó có 36 phần phát sinh ). Xã Khánh Bình Tây Bắc có 100 phần.

Mỗi phần quà chúng ta gồm có : 10kg gạo, 1 chai dầu ăn 1 lít, 1 kg đường, 10 gói mì, 1 hộp bánh ( hoặc 1 gói bánh ), 1 hộp sữa, 1 gói bột nêm Knor, 1 bộ mùng & mền. Riêng phần phát sinh không có mùng mền sẽ được thay thế bằng phong thư 50 ngàn đồng VN và ở xã Khánh Bình Tây Bắc sẽ có thêm 100 lốc nước đóng chai dành cho 100 hộ.

Trong chuyến đi này chi hội từ thiện Nhơn Hòa giúp 2500Kg gạo và 300 bộ mùng & mền. Còn lại là của Gopmotbantay và các bạn

Buổi tối ai cũng phờ phạc cả người nhưng chúng tôi vẫn tranh thủ đến thăm nhà chị Nguyễn Thị Mỹ Nhân, người phụ nữ quyên sinh vì cuộc sống quá túng quẩn và bế tắc

http://www.tienphong.vn/xa-hoi/624950/Chinh-quyen-ray-rut-khi-nguoi-dan-quyen-sinh-tpol.html

CM---07

Chúng tôi đến thăm, cắm cho chị 3 nén nhang và gởi biếu chồng con chị một ít quà. Xin cầu nguyện cho người mất, người còn từ đây đều được bình an!

3g15 phút sáng 12 / 5 / 2013, chuông điện thoại vang lên vì cuộc gọi của chị Tư Hằng. Các anh em bên chi hội từ thiện Nhơn Hòa đã đến Cà Mau. Tôi, Mỹ và Duyên nhờ bác lái đò cho qua sông sớm để đón các anh em.

6g30 chúng tôi và các anh em ở hội từ thiện Nhơn Hòa lên đường để đến xã Sông Đốc thuộc huyện Trần Văn Thời.

Ngoài 2 chuyến xe tải chở hàng hóa, các anh em ở Nhơn Hòa đi bằng xe 30 chổ, còn lại chúng tôi 8 người đi 4 xe gắn máy. Buổi sáng Cà Mau trời vần vũ mây đen, thế rồi cơn mưa nặng hạt đổ xuống! Chúng tôi mặc áo mưa và tiếp tục chạy vì sợ không kịp giờ. May mắn mưa tạnh và sau đó chúng tôi được đi trong thời tiết ôn hòa suốt cuộc hành trình

Đến Sông Đốc lúc 9g sáng, chúng tôi xuống hàng, đóng gói quà và chuẩn bị phân phát cho người dân

Gởi các bạn hình ảnh tại Sông Đốc buổi sáng 12 / 5 / 2013

CM---08CM---09CM---10CM---11CM---12CM---13CM---14

( Người dân Sông Đốc chờ nhận quà )

CM---15CM---16CM---17

( Mỹ và Hương giải quyết những trường hợp phát sinh ngoài kế hoạch )

CM---18CM---19CM---20CM---21CM---22CM---23CM---24

( Một góc nhỏ ở xã Sông Đốc )

Công việc trao quà cho người dân kết thúc lúc 11g. Chính quyền xã Sông Đốc mới chúng tôi dùng cơm trưa tại tòa Thánh Thất Cao Đài Sông Đốc. 12g 15 chúng tôi lại tiếp tục lên đường để đến xã Khánh Bình Tây Bắc, cùng huyện Trần Văn Thời

CM---25

( Đường đến xã Trần Văn Thời )

CM---26

Đến cầu Cai Năm ( thuộc xã Trần Hợi ) , xe tải và xe 30 chổ của các bạn ở Nhơn Hòa phải dừng lại vì cây cầu nhỏ, tải trọng thấp, xe không qua được. Hàng hóa còn lại bên xe tải của Nhơn Hòa được chuyển qua xe tải nhỏ của chúng tôi. Thôi thế đành chia tay nhau trong tiếc nuối, chúng tôi 8 người còn lại cùng chiếc xe tải nhỏ tiếp tục lên đường

Năm nay nắng hạn hơn mọi năm nên đất càng nhiễm mặn nhiều hơn. Sự biến đổi khí hậu, sự can thiệp thô bạo vào dòng chảy của sông Mekong nơi thượng nguồn bởi người Trung Quốc, sự thất bại trong việc dẫn nước biển vào đất ruộng để nuôi thủy sản, tất cả hợp chung tạo nên nạn thiếu nước ngọt trầm trong tại Cà Mau, đặc biệt tại huyện U Minh và huyện Trần Văn Thời. Cái nghèo chưa thoát lại dẫn đến cái đói, cái khát! Các trang mạng chính thức ( Ngày 21 / 4 ) đưa tin : 1 mét khối nước sinh hoạt tại huyện Trần Văn Thời giá 1 triệu đồng.( Với giá này dân Sài Gòn hay Hà Nội cũng chết nói gì dân ruộng ở Cà Mau! )

http://m.vietnamnet.vn/vn/kinh-te/118040/noi-gia-nuoc-1-trieu-dong-m3.html

http://tintucviet.com.vn/?url=detail&id=1631

http://news.zing.vn/kinh-doanh/1-m3-nuoc-gia-1-trieu-dong/a315020.html

Tuy vậy, sau đó ngày 23 / 4 trên trang Đại Đoàn Kết có lời đính chính về vụ giá nước 1 triệu đồng 1 khối. Để rộng đường dư luận, Gopmotbantay xin gởi đến thông tin của 2 chiều khác nhau để bạn đọc tự nhận định. Gopmotbantay xin được đứng bên ngoài cuộc tranh luận

http://www.baomoi.com/Ca-Mau-Thuc-hu-thong-tin-1-trieu-dong1m3-nuoc-sach/144/10871684.epi

Đến Khánh Bình Tây Bắc khoảng 14g.

CM---27

Chúng tôi nhờ dân địa phương giúp chuyển hàng xuống rồi cùng nhau đóng gói trước khi trao tặng cho người dân

CM---28CM---29CM---30CM---31CM---32

Những tấm hình bạn đang xem được chụp hoàn toàn ngẫu nhiên bằng chiếc máy ảnh…cùi bắp! Bạn có thể nhìn thấy nét lo âu trên gương mặt của người dân cũng như nét mừng vui khi nhận phần quà nhỏ nhoi của chúng ta

CM---33CM---34CM---35CM---36CM---37CM---38CM---39

Chiều xuống trên dòng sông thật đẹp, chỉ tiếc nước của con sông không dùng được. Tôi hỏi thăm người dân đến nhận quà, thường là họ phải đi hơn 2km đường sông để đến được nơi đây

CM---40CM---41CM---42CM---43CM---44

Công việc kết thúc vào lúc 15g15 phút. Trời không có nắng, trên con sông vài người dân giơ tay vẩy chào chúng tôi.

Rời Khánh Bình Tây Bắc, chúng tôi trở về Cà Mau, con đường quá xấu nên xe bị đá chém bể bánh nhiều lần…Xe chạy qua huyện U Minh, chúng tôi dừng lại để trao nốt một số quà dự trử còn xót lại cho những hộ gia đình khó khăn bên đường.

Tạm biệt người dân vùng đất mặn, chúng tôi vào đến Cà Mau khi thành phố cũng vừa lên đèn.

14
Th6
09

Rừng U Minh Hạ

Umin---01

Sông Trẹm chia U Minh thành 2 vùng: U Minh Thượng thuộc về Kiên Giang và U Minh Hạ thuộc Cà Mau

Ngày trước U Minh Hạ là khu bảo tồn thiên nhiên Vồ Dơi, ngày nay trở thành vườn quốc gia U Minh Hạ. Với diện tích 8286 Ha, rừng có hệ động vật, thực vật đặc trưng vùng đất ngập nước, phía dưới có lớp than bùn do xác thực vật tích tụ lâu năm tạo thành.

( Đường vào rừng trồng dầy đặc mít, xoài…)

Umin---02

( Bên trong rừng U Minh Hạ )

Umin---03Umin---04Umin---05

Vườn quốc gia U Minh Hạ còn có vùng đệm thuộc các lâm ngư trường U Minh, lâm ngư trương Trần Văn Thời. Một bộ phận dân chúng sống ở những nơi đó, cuộc sống của họ còn nhiều khó khăn và thiếu thốn, đó là lý do chúng ta tìm đến để giúp họ trong chuyến đi ngày 12 / 6 vừa qua

Đến Cà Mau lúc 17g chiều ngày 12 / 6, tôi và bạn Linh nghĩ lại nhà của Tuấn – Mỹ.

6g sáng ngày 13 / 6 / 09, vì có hẹn trước, nên chúng tôi đợi anh Thuần bên TT Minh Tâm ngay trước cổng khách sạn Cà Mau. Trong chuyến đi hôm nay, anh Thuần sẽ hướng dẫn đoàn bác sĩ của TT Minh Tâm đến khám và phát thuốc cho 1000 bà con của xã Khánh Hội và trong rừng quốc gia U Minh Hạ. Vì không có tay nghề…khám bệnh nên chúng tôi : Gopmotbantay, Mỹ , Tuấn, Linh chỉ có thể giúp dân 100 phần quà cho bà con sống ở trong rừng

Trước tiên chúng tôi theo TT Minh Tâm đến xã Khánh Hội khám bệnh, phát thuốc cho 500 người dân. TT Minh Tâm là đoàn khám bệnh chuyên nghiệp, tất nhiên trong công việc không thể tránh khỏi một số sơ xuất, nhưng có thể nói đây là đoàn khám bệnh có sự tổ chức, sắp xếp tốt nhất tôi từng biết , đấy là một bệnh viện di động mini với đầy đủ thuốc và dụng cụ chuẩn đoán, xét nghiệm. Đáng nói hơn tất cả là sự đối xử của những người trong đoàn TT Minh Tâm với bệnh nhân , khác xa quý vị y bác sĩ trong các bệnh viện công của nhà nước. Không quát nạt, không khinh bỉ người bệnh, những điều mà ai cũng chứng kiến, cũng phải chịu đựng khi bước chân vào các bệnh viện công. Có lẽ sẽ có ngày tôi nên dành riêng 1 entry nói về cách đối xử với bệnh nhân trong các bệnh viện công của nhà nước…!

Umin---06Umin---07Umin---08Umin---09

Trong chuyến khám bệnh tại Khánh Hội bên Minh Tâm còn trao tặng trên 100 phần bánh kẹo, hạt điều cho các em nhỏ có mặt ngày hôm nay

Umin---10Umin---11Umin---12

( Đoàn TT Minh Tâm có máy xét nghiệm máu và máy siêu âm )

Umin---13

Buổi chiều, chúng tôi đến rừng quốc gia U Minh Hạ lúc 15g, trể gần 2 tiếng đồng hồ so với dự kiến vì lý do kỷ thuật! và mặc dù hẹn với bà con sẽ bắt đầu khám bệnh lúc 13g, nhưng vẫn có rất nhiều người đã đến chờ đợi từ sáng!!!

( Đường chúng tôi đi qua )

Umin---14Umin---15Umin---16

Tại rừng U Minh Hạ bên TT Minh Tâm cũng khám và phát thuốc cho 500 người. Riêng chúng ta có 100 phần quà tặng cho bà con, mỗi phần quà gồm có : 10kg gạo, 1kg đường, 1 chai nước tương và 5 gói mì. Đây là quà của Gopmotbantay và các bạn hữu gởi tặng. Bên các bạn TT Minh Tâm cũng gởi tặng thêm 100 cái mùng và rất nhiều bánh kẹo, hạt điều cho các em nhỏ

Umin---17Umin---18Umin---19Umin---20Umin---21

Cuộc sống người dân trong rừng U Minh Hạ còn rất thiếu thốn, nghèo đói vẫn là vấn nạn kéo dài của người dân bản xứ. Có đến tận nơi bạn mới có thể thông cảm, rung động trước đau khổ của đồng bào. Có đến tận nới mới thấy người dân thật sự cần thiết một giải pháp kinh tế, một giải pháp giáo dục hợp lý để thay đổi và nâng cao cuộc sống. Tất cả đang trông chờ vào thế hệ trẻ hôm nay.

( 5 gói mì của Gopmotbantay được “Xử” ngay tại chổ!….)

Umin---25Umin---26Umin---27

( Chiều rồi, chèo ghe về thôi…)Umin---22Umin---23Umin---24

Tạm biệt U Minh, tôi, Mỹ, Linh, Tuấn ra về lúc 17g, các anh em TT Minh Tâm vẫn còn tiếp tục khám bệnh cho một số người dân còn lại. Chiều và đêm nay các bạn TT Minh Tâm sẽ vào rừng giao lưu, sinh hoạt văn nghệ với người dân địa phương. Riêng tôi và Linh phải về Sài Gòn ngay trong đêm để chuẩn bị cho chuyến đi sắp tới…




Photobucket

Thư viện

Photobucket

Blog Stats

  • 123 515 hits
free counters

Visitors online

Fish

Bạn có tin…

khi một con bươm bướm đập cánh ở rừng già Amazon, nó sẽ tạo nên những làn sóng rung động trong không khí và lan mãi...lan mãi cho đến tận Tử Cấm Thành ở Bắc Kinh? Butterfly
Tháng Năm 2024
H B T N S B C
 12345
6789101112
13141516171819
20212223242526
2728293031